Tổng quan hoạt động Môi trường đô thị và KCN miền Trung –Tây Nguyên

Tổng quan hoạt động Môi trường đô thị và KCN miền Trung –Tây Nguyên

14:04 - 20/04/2020

Trong 5 năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, kinh tế xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng ngày càng phát triển; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều ngành nghề kinh doanh được đầu tư, mở rộng và phát triển. 

Đánh giá tổng quan giai đoạn 2013 – 2018.

Trong 5 năm qua, cùng với sự phát triển chung của cả nước, kinh tế xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng ngày càng phát triển; nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và nhiều ngành nghề kinh doanh được đầu tư, mở rộng và phát triển. Bộ mặt các đô thị khu vực Miền Trung – Tây Nguyên ngày càng khang trang hơn. Hệ thống văn bản pháp luật về môi trường và ý thức bảo vệ môi trường của người dân ngày càng hoàn thiện và nâng cao. Từ đó đã thúc đẩy các hoạt động của Hội khu vực, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị ngành Môi trường Đô thị, Khu công nghiệp Miền trung – Tây nguyên phát triển.

 

Phó Bí thư Thường trực Bùi Thanh Hà - Tỉnh ủy tỉnh TT Huế trao quà cho các công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế đang dọn dẹp vệ sinh đường phố

Hiện nay, số lượng hội viên Hội khu vực Miền Trung - Tây Nguyên là 28 đơn vị. Các đơn vị Chi hội được sinh hoạt thành 4 cụm gồm: Cụm 1: các đơn vị Bắc Trung bộ; Cụm 2: các đơn vị Trung Trung bộ; Cụm 3: các đơn vị Nam Trung bộ; Cụm 4: các đơn vị Tây Nguyên. Hội Khu vực đã giữ vững được sự kết nối giữa các địa phương, giữa các đơn vị hội viên; tạo quan hệ, liên kết, hợp tác; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm theo ngành nghề…; hỗ trợ nhau về thiết bị, nhân lực nhất là những thời điểm khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão để hoàn thành nhiệm vụ.

Hội Khu vực đã duy trì Hội nghị luân phiên hàng năm; năm lẻ tổ chức Hội nghị định kỳ toàn thể, kết hợp với tổ chức hoạt động hội diễn văn nghệ, thi đấu các môn thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng đá…; năm chẵn tổ chức Hội nghị Ban chấp hành mở rộng để đánh giá kết quả một năm thực hiện Nghị quyết của Hội nghị định kỳ đề ra và bàn kế hoạch, giải pháp thực hiện năm tiếp theo. Năm 2018, Hội khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm 2013 – 2018 để kiện toàn BCH Hội và đề ra phương hướng nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Các đơn vị hội viên Hội Khu vực đã chủ động tham mưu cho Cấp ủy, chính quyền đề ra các chủ trương, nghị quyết và biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở từng địa phương để đạt được hiệu quả cao. Đồng thời đã chủ động lập kế hoạch và biện pháp cụ thể về các phong trào vệ sinh môi trường của địa phương mình để tuyên truyền trong nhân dân cùng tham gia làm sạch và bảo vệ môi trường.

 

Các công nhân là quân nhân xuất ngũ tại Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi trang trí công viên Ba Tơ, chuẩn bị chào đón Tết Nguyên Đán

Thực hiện Đề án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đến nay Hội Khu vực đã có 16/16 đơn vị doanh nghiệp nhà nước hoàn thành công tác cổ phần hóa. Sau khi chuyển đổi, hầu hết các đơn vị có sự phát triển tốt, phát huy, kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của người lao động từ công ty Nhà nước, bảo đảm đời sống CB-CNVC, không có tình trạng sau sắp xếp người lao động mất việc làm hoặc việc làm không ổn định.

Đổi mới phương tiện trong hoạt động thu gom rác.

Công tác đổi mới công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh luôn được các đơn vị Hội viên Hội Miền Trung- Tây Nguyên quan tâm chú trọng như Đổi mới công nghệ xử lý chất thải; Đổi mới quy trình, phương tiện thu gom, vận chuyển rác; Đổi mới trong công tác truyền thông và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường… Trong đó, Công tác đổi mới phương tiện thu gom rác theo hướng cơ giới hóa được nhiều đơn vị, nhiều địa phương khu vực Miền Trung – Tây Nguyên quan tâm và đưa vào thực nghiệm.

Thực trạng phương tiện thu gom rác hiện nay.

Trên địa bàn cả nước phương tiện thu gom rác hiện nay chủ yếu là xe gom rác đẩy tay, quá trình sử dụng phương tiện này có nhiều nhược điểm, cụ thể như sau:

  1. Đối với người lao động: Xe gom rác đẩy tay là phương tiện hoạt động hoàn toàn bằng sức lao động của người công nhân, nên công nhân phải bỏ nhiều công sức làm việc rất vất vả. Với hình ảnh xe gom rác phía trước, công nhân đẩy phía sau liên tục phải tiếp xúc với rác thải và bị che khuất tầm nhìn nên không đảm bảo về an toàn giao thông, cũng như sức khỏe cho người lao động.
  2. Hình thức phương tiện thu gom: Xe gom đẩy tay thường có dung tích thùng chứa nhỏ, khó di chuyển xa, khó kết hợp tuyên truyền trực quan trên phương tiện.
  3. Vị trí tập kết: Khi sử dụng xe gom rác đẩy tay cần rất nhiều điểm tập kết xe gom rác trên đường phố, điều này làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.
  4. Hiệu quả công việc: Công việc thực hiện hoàn toàn bằng thủ công nên hao phí nhiều sức lao động, nhưng năng suất lao động thấp. Một số địa bàn có dân cư thưa, lượng rác thải không nhiều nhưng công nhân thu gom vẫn phải di chuyển với cự ly lớn tốn nhiều sức lao động nhưng hiệu quả công việc thấp.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị đấu thầu công tác thu gom rác thải, thì phương pháp lao động thủ công bằng xe gom rác đẩy tay truyền thống từ trước cho đến nay với năng suất lao động thấp, chi phí cao thì khó có thể cạnh tranh.

Thí điểm áp dụng xe điện trong thu gom rác.

Những năm gần đây, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động của người công nhân, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo mỹ quan đô thị, an toàn giao thông; đảm bảo sức khỏe cho người lao động và thân thiện với môi trường, nhiều Công ty môi trường đô thị trên địa bàn cả nước đã mạnh dạn thí điểm đưa xe điện 03 bánh vào hoạt động thu gom rác như tại Thành phố Hà Tĩnh, Thành phố Phủ Lý – tỉnh Hà Nam, Quận Hà Đông – Thành phố Hà Nội, Lạng Sơn, ….

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Qua thời gian thực hiện thí điểm tại nhiều địa phương, xe điện 3 bánh đã phát huy được nhiều ưu điểm trong hoạt động thu gom rác, cụ thể như sau:

  1. Đối với người lao động: Việc cơ giới hóa đã giải phóng được sức lao động cho công nhân và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Ngoài ra, sử dụng phương tiện này tầm quan sát của người lao động tốt hơn nên đảm bảo an toàn giao thông và sức khỏe người lao động sẽ được cải thiện.
  2. Khi sử dụng xe điện sẽ giảm được số lượng vị trí tập kết rác trên đường phố, đây là ưu điểm vượt trội so với khi sử dụng xe gom rác đẩy tay (ví dụ như tại địa bàn Thành phố Hà Tĩnh khi sử dụng xe điện chỉ cần từ 5-6 điểm tập kết rác, trong khi đó sử dụng xe gom rác đẩy tay phải cần đến 74 điểm tập kết rác) do đó đảm bảo tốt vấn đề mỹ quan đô thị.
  3. Xe điện được trang bị đèn, còi đèn tín hiệu khi tham gia giao thông, nên đảm bảo an toàn giao thông, mang tính chuyên nghiệp và đảm bảo mỹ quan đô thị.
  4. Xe điện 03 bánh nhỏ gọn, chạy bằng điện nên không phát sinh tiếng ồn, thân thiện với môi trường, vì vậy phù hợp với hoạt động thu gom rác ngõ xóm, ít ảnh hưởng đến người dân khi hoạt động vào ban đêm.
  5. Hình thức xe phù hợp với đô thị hiện đại, có thể kết hợp tuyên truyền trực quan trên phương tiện đến cộng đồng dân cư như gắn loa phát thanh, dán các áp phích bên thành xe…
  6. Mức đầu tư phù hợp với điều kiện của các đơn vị, nhất là các tỉnh thành. Riêng tại thành phố Hà Tĩnh sử dụng 30 xe điện chở rác với mức đầu tư 1 tỷ đồng đủ đáp ứng công tác thu gom rác thải toàn thành phố. Mặt khác, chi phí vận hành, sửa chữa thấp, trong khi đó hiệu suất lao động được nâng cao.

Qua thí điểm đạt hiệu quả, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh đã kiến nghị với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ Tướng Chính phủ tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 18/6/2018. Sau đó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có ý kiến và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lời tại Văn bản số 5055/BTNMT-PC ngày 18/9/2018, trong đó nêu rõ Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến và sẽ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung quy định đối với xe điện 03 bánh sử dụng để vận chuyển chất thải.

Kiến nghị:

  1. Việc sử dụng xe điện 3 bánh trong công tác thu gom rác qua thực tiễn đã phát huy hiệu quả, phù hợp với thực tế và điều kiện hiện nay tại hầu hết các đô thị trên cả nước. Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa có quy định về đăng ký, đăng kiểm đối với loại phương tiện này. Do đó, đề nghị Hiệp Hội có văn bản kiến nghị các Bộ ngành Trung ương trình Chính phủ cho phép đưa phương tiện này vào hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
  2. Về Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính Phủ:

Hiện nay, Nghị định 130/2013/NĐ-CP không có Thông tư hướng dẫn thực hiện, nên mỗi địa phương ban hành những tiêu chí đấu thầu khác nhau, từ đó nãy sinh những bất cập:

- Nhiều đơn vị không đủ năng lực và kinh nghiệm trong hoạt động môi trường lại trúng thầu, những đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm bị loại.

- Thời gian thực hiện gói thầu mỗi địa phương khác nhau, trong khi lĩnh vực này cần có sự đầu tư lớn về phương tiện, thiết bị và con người, Do đó, cần xây dựng bộ tiêu chí, trong đó có quy định thời gian thực hiện gói thầu tối thiểu từ 5 năm trở lên, mới đảm bảo cho các đơn vị tham gia có đủ thời gian khấu hao phương tiện, thiết bị chuyên dùng.

Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 4453/BKHĐT-QLĐT ngày 09/6/2017 về việc tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Quyết định 39/2008/QĐ-TTg của Chính phủ nhằm sửa đổi toàn diện Nghị định 130/2013/NĐ-CP. Nhưng từ đó đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành Nghị định điều chỉnh. Do đó, đề nghị Hiệp Hội có văn bản báo cáo, kiến nghị các Bộ ngành Trung ương điều chỉnh sớm Nghị định 130/2013/NĐ-CP để các đơn vị và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác đấu thầu trong lĩnh vực này.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH XE ĐIỆN 3 BÁNH THU GOM RÁC:


Chia sẻ:
Vận hành xe ô tô điện, trạm sạc điện nhanh đầu tiên tại Việt Nam
Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm thu gom rác thải sinh hoạt bằng xe điện
Các quy trình bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị chà sàn
Địa điểm bán máy hút bụi không ồn dành cho nhà xưởng
Tìm hiểu cấu tạo máy hút bụi công nghiệp